Kế hoạch Lilienthal - Vũ Quốc Thúc Vũ_Quốc_Thúc

Từ năm 1965, chiến tranh cục bộ đã đặt ra yêu cầu nghiên cứu một kế hoạch cho thời kỳ mà cả phía Mỹ và Việt Nam cộng hòa đều nghĩ là chiến tranh sẽ kết thúc với sự chiến thắng của quân đội Mỹ. Vũ Quốc Thúc là trưởng phái đoàn phía Việt Nam trong cuộc soạn thảo ra bản Kế hoạch Kinh tế hậu chiến. Vào thời đó, đó là công trình kinh tế học nổi tiếng nhất của ông, cả ở miền Nam lẫn ở Mỹ.[1][2]

Thời kì sau Đệ Nhất Cộng hòa Việt Nam sụp đổ cho tới khi Mỹ trực tiếp tham chiến (1963-1965) là giai đoạn xáo trộn, gần như không có chính phủ, không có chủ trương đường lối rõ ràng. Các chính phủ thay đổi liên tiếp… Tướng M.Taylor làm Tổng chỉ huy quân đội kiêm Đại sứ Mỹ tại miền Nam, ông này rất lưu ý tới việc phát triển kinh tế của miền Nam, coi đó là một điều kiện tối quan trọng đảm bảo cho chiến thắng về quân sự. Chính phủ Mỹ đã cử một chuyên gia kinh tế là David E. Lilienthal (bạn thân của tổng thống Mỹ lúc đó)[5] sang phối hợp với chính phủ Việt Nam cộng hòa để khởi thảo Kế hoạch kinh tế hậu chiến Vũ Quốc Thúc là đồng tác giả. Đến khoảng năm 1969 thì công trình này ra đời. Nhưng nó chưa được thực thi thì tình hình đã mau chóng biến đổi hoàn toàn khác với những dữ liệu trong bản kế hoạch…[1][2]

Theo GS Vũ Quốc Thúc, nội dung của Kế hoạch kinh tế hậu chiến là đẩy mạnh khai hoang và làm thủy lợi kết hợp với điện khí hóa ở đồng bằng sông Cửu Long. Mục đích cuối cùng của kế hoạch này không phải là kinh tế, mà là chính trị: theo Lilienthal, đụng đến vùng đồng bằng này là đụng đến Mặt trận giải phóng. Vì những lợi ích kinh tế, có thể là cả nông dân và chính quyền vùng giải phóng sẽ sẵn sàng tham gia vào kế hoạch này. Sự dính líu đó có thể làm suy yếu mối quan hệ giữa Miền Bắc với chính phủ Mặt trận Giải phóng miền Nam… Nhưng kế hoạch này chưa được thực thi thì đã bùng nổ cuộc Tổng công kích Tết Mậu Thân. Mặt khác, vì kế hoạch này chỉ tính đến miền Nam, không tính đến Campuchia là thượng nguồn của sông Mê Kông, nên bị Campuchia phản đối. Nội công ngoại kích, kế hoạch Lilienthal-Vũ Quốc Thúc bị thất bại. Song kế hoạch này đã được Bộ Ngoại thương của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa in làm sách tham khảo với tên gọi "Kế hoạch phát triển kinh tế miền Nam Việt Nam 10 năm sau chiến tranh của Mỹ-nguỵ" xuất bản tại Hà Nội năm 1971 (375 trang). Và sau này được Đặng Phong tham khảo trong việc đề ra chiến lược phát triển kinh tế cho Việt Nam.[1][2][6]